Giáo sư Trần Quốc Vượng: Nhà Hà Nội học đích thực

Trung tâm Hà Nội học và phát triển thủ đô trân trọng giới thiệu bài viết về GS Trần Quốc Vượng của tác giả Vũ Trường Sơn, in trong tập sách “Khoa Sử & tôi” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2001).

Trong một lần trò chuyện, thầy tôi, Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm kể về một trong những bài viết đầu tay của mình. Đó là bài viết về Hà Nội đăng trên báo Thủ đô Hà Nội (nay là Hà Nội mới) từ những năm cuối thập kỷ 50. Thật thú vị, bài báo đó là của Trần – Hà (Trần Quốc Vượng – Hà Văn Tấn) và Lê – Lâm (Phan Huy Lê – Đinh Xuân Lâm) đồng tác giả. Hồi tưởng lại bài viết thuở ấy, GS Đinh Xuân Lâm nói: “Hơn 40 năm qua, GS Trần Quốc Vượng vẫn miệt mài nghiên cứu về Hà Nội và có những công trình khoa học đặc sắc về Hà Nội, ông cũng là người có công đầu trong việc xây dựng ngành Hà Nội học. Nếu có một danh hiệu “Nhà Hà Nội học” thì người đầu tiên và xứng đáng nhất để nhận danh hiệu là GS Trần Quốc Vượng”.

Cho đến nay, GS Trần Quốc Vượng đã viết hàng trăm bài báo, hàng chục cuốn sách về Hà Nội. Có thể kể một số công trình tiêu biểu là “Địa lý lịch sử miền Hà Nội” (trước thế kỷ XI), “Trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử”, “Giải ảo hiện thực về xứ Đống Đa và gò Đống Đa”, “Hà Nội – vị trí địa lý và chiều sâu lịch sử”, “Hà Nội truyền thống và hiện đại, tinh hoa ngàn xưa với công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa hôm nay”, “Hà Nội – Việt Nam” 100 năm giao thoa văn hóa Đông-Tây, Nam-Bắc (Lý luận và thực tiễn)”, “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật”… Ngoài ra, ông còn lấy Hà Nội làm “hệ quy chiếu” khi nghiên cứu về các vùng văn hóa khác của đất nước và cũng rất thành công. Đọc lại các bài viết của ông, dù ở góc độ nào thì nhà sử học, nhà văn hóa học, hay một độc giả bình thường cũng nhận thấy ở đó một trí tuệ khoa học uyên bác. Ông giải mã, giải ảo từng di tích, từng truyền thuyết, từng địa danh, từng câu ca dao có liên quan đến Hà Nội. Ông nhìn xuyên thời gian, không gian, vạch ra chiều sâu lịch sử văn hóa và cả quy luật hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội. Phải có một tầm cao trí tuệ được nhân lên trong tình yêu và lòng đam mê mới có thể làm và đạt được những thành tựu khoa học lớn như vậy về vùng đất ngàn năm văn hiến này. Nếu ai đó mới bắt đầu tìm hiểu hoặc muốn nghiên cứu sâu hơn về Hà Nội, hãy tìm đến GS Trần Quốc Vượng, và sẽ nhận được của ông những chỉ dẫn tận tình, khoa học, nghiêm túc, với những kiến giải sâu sắc, những gợi mở thú vị và những phát hiện bất ngờ. Chính nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã viết: “Kính tặng anh Trần Quốc Vượng – người có công đầu trong việc xây dựng ngành Hà Nội học” trong một cuốn sách viết về Hà Nội của mình khi tặng GS Trần Quốc Vượng.

Khi được hỏi vì sao ông viết nhiều về Hà Nội hơn so với vùng quê nội Hà Nam, GS Trần Quốc Vượng đã trả lời vui “Bởi mấy chục năm quen uống nước máy Hà Nội nên phải trả nợ… nguồn !”.Không chỉ có vậy, mấy chục năm qua, ông còn tham gia lãnh đạo Hội Sử học Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, CLB ẩm thực Hà Nội, giảng dạy sinh viên và nghiên cứu sinh về lịch sử – văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

GS Trần Quốc Vượng xuất thân trong một gia đình công chức- giáo chức, gốc dân chài xứ Sơn Nam hạ (Hà Nam), sinh năm 1934 nơi “ngọn lửa đầu non” lưng chừng núi Kinh Môn xứ Đông (Hải Dương). Sau khi tốt nghiệp thủ khoa cử nhân sử – địa năm 1956, ông được giữ làm “trợ lý tập sự” tại khoa Lịch sử – Đại học Tổng hợp Hà Nội cùng hai người bạn đồng môn tài danh khác là Đinh Xuân Lâm và Phan Huy Lê. Hơn 40 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS Trần Quốc Vượng đã viết hơn 40 cuốn sách (riêng và chung), hơn 300 bài báo và hơn 300 bài tạp chí. Tuy nhiên, ông vẫn tâm huyết và dành nhiều công sức nhất cho cái nghề đã lựa chọn khi bước vào đời: Dạy học.

Một học trò của ông, Tiến sĩ Shin Chi Yong (Hàn Quốc) đã tinh tế nhận xét: “Nếu chỉ gặp một lần, nhất là nếu chỉ nhìn bề ngoài, thì ít ai có thể ngờ rằng đó là một học giả, hơn nữa là một học giả nổi tiếng. Vóc dáng nhỏ nhắn, cách ăn mặc vừa trang nghiêm vừa buông thả, rất nghệ sĩ và hơi “bụi”, vầng trán thông minh, dô cao biểu hiện cho một trí tuệ và một tính cách phóng khoáng; cặp mắt sáng, nhanh, sắc, biểu hiện cho sự sắc sảo, nhạy bén; khuôn miệng đặc biệt cùng nốt ruồi bên khóe mép vừa hóm hỉnh, vừa sinh động, và dưới con mắt nhà nhân tướng học thì chắc sẽ có phần lợi ngôn”.

Ghi nhận những đóng góp xuất sắc trong khoa học của GS Trần Quốc Vượng, Nhà nước đã phong hàm Giáo sư (1980), và nhiều huân chương, huy chương các loại. Các thế hệ học trò và giới Sử học suy tôn “Lâm – Lê – Tấn – Vượng” (Đinh Xuân Lâm – Phan Huy Lê – Hà Văn Tấn – Trần Quốc Vượng). Trên tầm quốc tế, GS Trần Quốc Vượng đã được Trung tâm tiểu sử quốc tế Cambridge (Vương quốc Anh) bầu chọn là 1 trong 2000 tác giả xuất chúng của thế kỷ XX trong các lĩnh vực Sử học, Khảo cổ học, Dân gian học, Văn hóa học. Viện Tiểu sử học ở Bắc Carolina (Mỹ) bầu chọn ông là nhân vật của năm 2000.

Theo Báo Hà Nội mới.