Năm 2025 đánh dấu cột mốc lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam: 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Đây là dịp để cả nước cùng nhìn lại hành trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng thời tôn vinh những giá trị hòa bình, đoàn kết và phát triển.
Trên khắp mọi miền Tổ quốc, hàng loạt hoạt động chào mừng đã, đang và sẽ diễn ra sôi nổi, trang trọng và ý nghĩa, thể hiện niềm tự hào sâu sắc của các thế hệ người Việt đối với chiến thắng lịch sử này.
Nhiều hoạt động lớn được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) sẽ là tâm điểm của các hoạt động kỷ niệm với nhiều chương trình quy mô lớn. Trong đó, Lễ kỷ niệm cấp quốc gia diễn ra từ 6h30 ngày 30/4 tại đường Lê Duẩn, quận 1, và các tuyến đường trung tâm thành phố. Nổi bật là màn diễu binh, diễu hành diễn ra vào sáng ngày 30/4/2025 trên trục đường Lê Duẩn, phía trước Hội trường Thống Nhất, với sự tham gia của các lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân.
Nhằm chuẩn bị cho sự kiện lớn, hàng nghìn quân nhân ở 4 địa phương gồm Hà Nội, TP. HCM, Quảng Nam và Gia Lai đã khổ luyện không kể mưa nắng trong suốt 3 tháng để chuẩn bị cho ngày trọng đại. Sau khi hợp luyện dưới hình thức trực tuyến ở các điểm cầu, các quân nhân sẽ di chuyển từ các địa phương về thành phố mang tên Bác để hội quân và tiếp tục tập luyện cho đến trước ngày 30/4.
Nằm trong chương trình nghệ thuật tổng thể Sắc màu Thành phố Bác, một hoạt động khác không thể bỏ qua là chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật lúc 21h đến 21h15, dự kiến khoảng 30 điểm trên sông Sài Gòn, hai bên bờ sông TP. Thủ Đức và quận 1 vào tối 30/4. Tối cùng ngày, thành phố còn có chương trình đặc biệt Ngày hội thống nhất non sông tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Ba Son đến bến Nhà Rồng, bắt đầu từ 19h với nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thể thao…
Sở VH&TT TP. HCM đề xuất tổ chức màn trình diễn 10.500 drone dịp 30/4. Ban Tổ chức sẽ lập hồ sơ đề xuất xác lập kỷ lục Việt Nam về số lượng drone được bay nhiều nhất tại một thời điểm. Các chương trình khác thuộc hoạt động Sắc màu Thành phố Bác sẽ diễn ra từ 19h đến 21h30 trong nhiều ngày gồm 19/4, 26/4, 29/4, 3/5, 10/5, 17/5, 24/5, 31/5. Địa điểm tổ chức là UBND TP. HCM, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà hát Thành phố, Công viên Bến Bạch Đằng, TP. Thủ Đức, các đoạn kênh rạch chảy qua quận 1, 4, 5, 6, 8.
Bên cạnh là các hoạt động chào mừng khác phối hợp cùng với bộ, ngành như: Hội thảo khoa học cấp quốc gia vào 8h ngày 17/4; triển lãm ảnh Tự hào một dải biên cương từ 27/4; cầu truyền hình Bản trường ca hòa bình vào lúc 20h ngày 5/4; chương trình nghệ thuật ngoài trời Đất nước trọn niềm vui vào 20h10 ngày 20/4; cầu truyền hình cấp quốc gia Vang mãi khúc khải hoàn vào 20h10 ngày 27/4; chương trình nghệ thuật đặc biệt vào 20h10 ngày 29/4 và biểu diễn nhạc kèn kết hợp biểu diễn các kỹ thuật trên ngựa dự kiến vào 20h ngày 30/4.
Thủ đô Hà Nội hướng về ngày trọng đại
Tại Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, không khí kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam được tổ chức trang trọng với nhiều chương trình mang tầm quốc gia. Hà Nội dự kiến tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tọa đàm và triển lãm nhằm ôn lại lịch sử và tôn vinh những thành tựu đạt được trong 50 năm qua. Mới nhất, ngày 9/4 vừa qua, Sở VHTT&DL Hà Nội tổ chức chương trình tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội – Ý chí và niềm tin quyết thắng” tại Bảo tàng Hà Nội.
Nổi bật tại tọa đàm là nhân chứng lịch sử Nguyễn Văn Tập, người lái chiếc xe tăng 390 chia sẻ những câu chuyện xúc động và hào hùng thời khắc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, làm nên giây phút lịch sử, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong tháng 4/2025, tại Nhà Triển lãm số 29 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Bộ VHTT&DL giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Triển lãm Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Hoạt động nhằm tôn vinh và giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu của các thế hệ nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc… có nhiều cống hiến, dấu ấn, đóng góp cho sự phát triển mỹ thuật Việt Nam.
Ban tổ chức tuyển chọn khoảng 50 tác phẩm mỹ thuật xuất sắc từ mọi miền Tổ quốc để trưng bày, giới thiệu tới công chúng. Các tác phẩm được lựa chọn trưng bày tại triển lãm phải là những tác phẩm mỹ thuật xuất sắc, tiêu biểu, phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hoá Việt Nam. Bằng các thủ pháp và ngôn ngữ mỹ thuật trong các bức tranh, tượng trưng bày tại triển lãm, công chúng yêu mến nghệ thuật được tưởng nhớ thành quả chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, ôn lại trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL cũng triển khai hoạt động chiếu phim phục vụ công chúng với các tác phẩm phim truyện, phim tài liệu tiêu biểu về lịch sử, chiến tranh cách mạng, những biến đổi đời sống kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, xã hội nhằm tái hiện những sự kiện trọng đại của dân tộc, khắc họa chân thực những hy sinh, cống hiến và tinh thần quật cường của các thế hệ đi trước.
Chương trình được tổ chức nhằm tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm vóc và giá trị lịch sử vĩ đại của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn; khẳng định giá trị trường tồn của chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975 trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Thời gian chiếu phim phục vụ khán giả Hà Nội dự kiến diễn ra từ ngày 21 – 26/4.
Nhiều hoạt động kỷ niệm diễn ra ở tỉnh Thành
Ngày 30/4/1975, giang sơn quy về một mối. Trước thời điểm trên, nhiều tỉnh, thành phố ở phía Nam đã được giải phóng. Trong dịp tròn 50 năm thống nhất đất nước, các địa phương đã tổ chức Lễ kỷ niệm như một lời tri ân thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập của dân tộc.
Đắk Lắk: Tỉnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột và giải phóng tỉnh Đắk Lắk vào ngày 10/3/2025. Các hoạt động bao gồm lễ dâng hương, dâng hoa, tặng quà cho người có công với cách mạng, triển lãm ảnh “Đắk Lắk – 50 năm xây dựng và phát triển”, cùng nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật khác.
Huế: Thành phố Huế tổ chức các hoạt động như triển lãm, hội thảo khoa học và các chương trình nghệ thuật nhằm tôn vinh lịch sử và văn hóa địa phương trong kỷ niệm giải phóng thành phố (26/3/1975-26/3/2025). Những hoạt động này không chỉ giúp người dân và du khách hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của cố đô mà còn là dịp để quảng bá di sản văn hóa phong phú của Huế đến với bạn bè quốc tế.
Đà Nẵng: Thành phố đã tổ chức các hoạt động như diễu binh, diễu hành, triển lãm và các chương trình văn hóa nghệ thuật nhằm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng. Đặc biệt, vào tối ngày 29/3/2025, Đà Nẵng đã tổ chức màn bắn pháo hoa kéo dài 25 phút với hơn 1.950 quả pháo tầm cao và 90 giàn pháo tầm thấp, tạo nên một bầu trời đêm rực rỡ sắc màu. Ngoài ra, Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức triển lãm đặc biệt mang tên “Đà Nẵng – 50 năm phát triển và hội nhập” từ ngày 27 đến 29/3/2025, sử dụng công nghệ 3D mapping hiện đại để tái hiện hành trình phát triển của thành phố.
Khánh Hòa: tỉnh đã tổ chức lễ thượng cờ kỷ niệm vào sáng ngày 02/4/2025 tại Quảng trường 2/4, TP. Nha Trang. Buổi lễ có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, cùng đông đảo nhân dân địa phương; các hoạt động tuyên truyền được triển khai rộng rãi, bao gồm triển lãm “Khánh Hòa – 50 năm thành tựu và phát triển”, các hội thảo chuyên đề về lịch sử, kinh tế – xã hội của tỉnh, cùng chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Trong khuôn khổ sự kiện, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được diễn ra nhằm tạo không khí sôi nổi, phấn khởi trong nhân dân. Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật đặc biệt kết hợp bắn pháo hoa vào tối ngày 2/4/2025 tại Quảng trường 2/4.
Những hoạt động này không chỉ nhằm tôn vinh quá khứ hào hùng mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, củng cố tinh thần đoàn kết và hướng tới tương lai phát triển bền vững của đất nước.
Theo Hoa Sơn, Báo Văn nghệ